Chỉ cần cho chất dịch từ buồng trái của cây tà vạt lên men với vỏ cây chuồn (apăng) thì sẽ được loại rượu rất thơm ngon. Rượu có vị ngọt, đắng nhẹ, khay khay… làm tê tê đầu lưỡi như “nhấp” sâm banh.
Cái đặc sắc thứ hai là phần cổ hũ (đọt non) của cây tà vạt, người Cơtu gọi là “lam tavak”. Người ta chọn những cây tà vạt mọc dày, không phát triển được, chặt lấy đọt, bóc ra lấy phần lõi non của cây. Cổ hũ tà vạt dùng để nướng, chiên, xào, làm gỏi hoặc nấu, kho với các loại thịt rừng hoặc tôm, cá rất thơm ngon.
Trong mâm cơm cúng Yàng và các vị thần linh trong lễ ăn mừng lúa mới của người Cơtu ở Tây Giang thường có các món lam tà vạt. Thông thường, nhà trai mang quà đến nhà gái, thăm sui gia trong những ngày lễ, Tết của người Cơtu, họ thường mang lam tà vạt đến biếu và được xem là đặc sản của người Cơtu.
Ở vùng núi Đông Giang khách đến chơi nhà được thưởng thức món gỏi tà vạt. Chủ mang rựa ra vườn rừng chọn một cây tà vạt vừa phải, chặt ngọn, lột bỏ bẹ già, mang vào nhà rửa sạch để ráo, sau đó xắt lát dài khoảng 10cm, rộng 1cm để chế biến món gỏi (ađiing) lam tà vạt. Có thể lấy một ít tép khô, rửa sạch, để ráo.
Khử dầu phụng bỏ vào vài tép tỏi đập dập, khi dầu và tỏi đã bốc mùi thơm, bỏ tép vào khuấy đều, nêm nước mắm, gia vị… sau đó đổ lam tà vạt đã xắt nhỏ vào xoong, đảo nhiều lần cho đều. Tiếp theo rắc đậu phụng rang (giã dập), rau thơm, ớt rừng, tiêu rừng vào. Món gỏi này ăn vừa dòn vừa thơm, mát ngọt. Vừa ăn vừa uống rượu tà vạt thì rất hợp gu. Thích thú hơn, dùng bánh tráng nướng vàng để xúc, ăn rôm rả mà nghe thấm đượm hương vị núi rừng đại ngàn Trường Sơn.